Giáo dục TPHCM: Cần nhìn ra các nước để phấn đấu

 

 

Sáng 23-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Nguyễn Minh Hiển và các thứ trưởng, lãnh đạo vụ, viện thuộc bộ đã có buổi làm việc với TP.HCM về tình hình phát triển giáo dục của TP.

Tại cuộc họp, nhiều nội dung còn vướng mắc, bất cập đã được mổ xẻ; nhiều kiến nghị lâu năm cũng được giải quyết…

Hoạt động văn hóa ngoài giờ: quản lý cách nào?

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Song Đức, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP có nhiều đầu mối cấp phép mở trung tâm văn hóa ngoài giờ (luyện thi, ngoại ngữ, tin học…): Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch – đầu tư, Sở LĐ-TB&XH, Bộ Kế hoạch – đầu tư; Hội Đoàn trung ương; các trường ĐH, CĐ công lập, dân lập…

Tình trạng không thống nhất quản lý như trên tạo kẽ hở gây nhiều hiện tượng tiêu cực, mang lại hậu quả đáng tiếc, thiệt thòi cho quyền lợi người học. Lĩnh vực liên kết đào tạo với nước ngoài, du học tự túc cũng đang bị thả lỏng. Việc cấp chứng chỉ quốc gia (ngoại ngữ, tin học) hiện không thống nhất qui trình. Sở GD-ĐT thì tổ chức cấp chứng chỉ thông qua các kỳ thi theo đúng qui định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH lại cấp chứng chỉ thông qua việc đổi các tín chỉ. Chuyện không thống nhất này gây hoang mang cho người học và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, tuyển dụng.

TS Hoàng Minh Luật – vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: Ngoài 203 trung tâm văn hóa ngoài giờ do Sở GD-ĐT quản lý, TP.HCM còn có hơn 100 trung tâm do các cơ quan bộ, ngành khác quản lý.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua cũng đã xảy ra sự nhầm lẫn giữa việc cấp phép đầu tư về giáo dục và cấp phép cho hoạt động giáo dục. Một số tổ chức, cá nhân nước ngoài quan niệm rằng chỉ cần giấy phép đầu tư do ngành kế hoạch – đầu tư cấp là được triển khai các hoạt động GD-ĐT. Vì vậy đã xuất hiện một số cơ sở giáo dục do nước ngoài đầu tư hoặc liên kết đầu tư, trung tâm văn hóa ngoài giờ đi vào hoạt động khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý giáo dục.

Chất lượng giáo dục: người dân đã bớt kêu?

Ông Đức cho rằng: tồn tại chính về chuyên môn của giáo dục TP hiện nay là chất lượng dạy và học chưa đồng đều. Cách dạy từ chương, học vẹt vẫn chưa được giải quyết triệt để. Về thể chất, HS phát triển tốt nhất về chiều cao nhưng lại gia tăng các bệnh về mắt vì thói quen sử dụng màn hình điện tử và đọc truyện không đúng cách. Công cuộc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông tại TP.HCM có sự chuyển biến rõ nét nhất về chất lượng đào tạo là đổi mới phương pháp dạy học, HS thích thú học tập, GV được chủ động sáng tạo.

Nhưng vấn đề đánh giá chất lượng – chuẩn mực và phương thức thực hiện vẫn còn những lúng túng, bất cập. Đề nghị Bộ GD-ĐT cần quan tâm hơn đến vấn đề thi cử, đánh giá để qui trình đổi mới nhà trường, đổi mới nội dung chương trình đạt hiệu quả cao và đồng bộ.

Liên quan đến chất lượng giáo dục, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chúng tôi lấy ý kiến của người dân làm thước đo chất lượng giáo dục. Thời gian sau này dân không còn “kêu” nhiều như trước – dĩ nhiên ở đây không thể loại trừ yếu tố dân “kêu” nhiều quá nên mệt mỏi không kêu nữa. Nhưng khách quan thì thấy trường lớp của chúng ta khang trang hơn, các cháu đi học vui hơn thì có thể hi vọng chất lượng giáo dục khá hơn.

Tuy nhiên, tôi tự thấy chất lượng giáo dục của TP chưa đáp ứng theo sự mong muốn của người dân cũng như lãnh đạo TP. TP tự thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng tôi sẽ đầu tư để trường ra trường, thầy ra thầy. Tôi đã từng phát biểu với lãnh đạo các quận, huyện: nếu lãnh đạo quận, huyện không lo được đất xây dựng trường học thì nên từ chức. Đó không phải hăm he mà chúng tôi sẽ làm thật”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cũng cho rằng: TP.HCM nên nhìn ra các nước khu vực và quốc tế để phấn đấu theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Trong đó, ngoài việc xây dựng chuẩn trường lớp, chuẩn giáo viên, chuẩn chất lượng, lãnh đạo TP cũng nên quan tâm hơn nữa đến đối tượng HS nghèo và gia đình chính sách để giúp các em được học hành đến nơi đến chốn.

Chuẩn phổ cập trung học: không thể thay đổi!

Báo cáo với Bộ GD-ĐT về tình hình phổ cập giáo dục bậc trung học (PCGDBTH) , Sở GD-ĐT cho biết mục tiêu của TP.HCM đề ra cho nhiệm vụ PCGDBTH là đạt chuẩn vào năm 2010, nhưng hai đơn vị khó khăn nhất là Cần Giờ và Nhà Bè đã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2007, vượt mức ba năm, thúc đẩy các quận huyện phấn đấu đạt chuẩn trước năm 2007.

Nhưng đó là chuẩn do TP.HCM xây dựng, tức bỏ qua hai tiêu chí quan trọng là tỉ lệ 80% trường tiểu học, 70% THCS , 80% THPT đạt chuẩn quốc gia (trong đó mặt bằng diện tích trên mỗi HS từ 6-10m2) và tỉ lệ đạt bằng nghề ba năm ở độ tuổi phổ cập là 10% rất khó có thể đạt được. Không chỉ lần này, nhiều buổi làm việc trước đây với bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng luôn kiến nghị bộ xem xét điều chỉnh chuẩn phổ cập theo hướng chuẩn của TP nêu trên.

Tuy nhiên có mặt tại hội nghị, vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trang cũng rất thẳng thắn từ chối bằng cách đưa ra những cơ sở để bộ đề ra chuẩn PCGDBTH. Theo ông, kết luận hội nghị trung ương 6, ngành đã đề ra yêu cầu đến năm 2007 tất cả trường THPT phải đạt chuẩn quốc gia, 2010 các trường tiểu học phải đạt chuẩn và 2015 tất cả trường THCS đạt chuẩn.

Chuẩn PCGDBTH cũng được xây dựng trên cơ sở nghị quyết này, không thể nói ngược lại được mà phải làm cho nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi ngoài việc nâng cao dân trí còn phải tính đến điều kiện học. Riêng với tỉ lệ HS tốt nghiệp trường nghề, ông nhấn mạnh chủ trương của Nhà nước là phân luồng HS vào các trường nghề để tăng lực lượng công nhân lành nghề. Thế nhưng vấn đề này lâu nay chúng ta vẫn chưa làm đựơc bao nhiêu. Vì vậy đưa tiêu chuẩn này vào là yêu cầu phù hợp

 

Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị từ nay đến năm 2005 nâng cấp một số trường cao đẳng lên đại học, trung học lên cao đẳng; từ 2005-2010 dự kiến nâng cấp Trường trung học Nghiệp vụ du lịch – khách sạn thành trường cao đẳng và thành lập mới một trường cao đẳng kỹ thuật nghiệp vụ trên địa bàn đô thị và Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi…

Ông Đỗ Xuân Thụ, vụ trưởng Vụ Tổ chức, đã làm bài toán tổng kết: “Hiện TP.HCM có 29 trường ĐH, CĐ. Chưa kể các đề án bộ nhận được, bao gồm có 15 hồ sơ kiến nghị từ nay đến 2006 xin thành lập 15 trường, trong đó nâng cấp lên cao đẳng chín trường, thành lập mới sáu trường. Còn thành lập cao đẳng thì có tám trường trung cấp xin lên và năm trường mới. Số lượng này đã vượt quá số lượng dự kiến qui hoạch các trường trên địa bàn TP gây khó khăn nhất định cho Bộ GD-ĐT trong việc xem xét thẩm định trình Thủ tướng hoặc quyết định theo thẩm quyền…”.

Tuy nhiên ông cũng cho biết các vụ chức năng đã thống nhất đồng ý với đề án nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm TP thành Trường ĐH Đa ngành nhưng phải đến năm 2006 để có thời gian chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất… Tương tự việc nâng cấp Cao đẳng bán công Hoa Sen lên đại học cũng thực hiện trong thời gian trên. Riêng với việc nâng cấp Trường TH Kinh tế thành Cao đẳng Kinh tế và TH Kỹ thuật Lý Tự Trọng thành Cao đẳng Lý Tự Trọng được thực hiện từ năm nay.

TP.HCM: 265.000 chỗ làm trong năm 2012

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết năm 2012, TP.HCM có khoảng 265.000 chỗ làm, trong đó có 120.000 chỗ làm mới. Thị trường lao động năm 2012 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, biến động.

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc thường trực trung tâm, cho biết:

– Theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM, năm 2012 dự kiến tỉ lệ lao động thất nghiệp giảm xuống còn 4,9%, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí TP giảm còn 4,5%. Có thể nhận định năm 2012 thị trường lao động TP vẫn còn nhiều biến động.

Về xu hướng quý 1-2012, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nguồn lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như dệt may – da giày, chế biến thực phẩm, nhựa – bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử… để bù đắp lượng lao động nghỉ tết dài. Quý 2 và 3-2012, thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung – cầu nhưng ổn định so với quý 1-2012.

Trong quý 3 và 4-2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa – hóa chất, marketing – nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ – phục vụ, y tế – chăm sóc sức khỏe, xây dựng – kiến trúc…

* Cơ cấu chuyển đổi nhu cầu về nhân lực trong tổng nhu cầu nhân lực năm 2012 như thế nào, thưa ông?

– Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có giảm 10% so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỉ trọng cao trong tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng lao động cho các KCX-KCN TP năm 2012 có cơ cấu trình độ chuyên môn đại học – cao đẳng là 7%, trung cấp 12%, công nhân kỹ thuật 19%, lao động đã qua đào tạo nghề 30%, lao động chưa đào tạo nghề 32%.

10 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong năm 2012 là marketing – kinh doanh – bán hàng, dệt – may – da giày, du lịch – nhà hàng – khách sạn – dịch vụ – phục vụ, công nghệ thông tin – điện tử – viễn thông, tài chính – kế toán – kiểm toán, cơ khí – luyện kim – công nghệ ôtô, xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải, quản lý – hành chính – giáo dục – đào tạo, điện – điện công nghiệp – điện lạnh, hóa – chế biến lương thực thực phẩm – quản trị chất lượng.

* Ông có đề xuất gì để hoạt động của thị trường lao động trong năm 2012 đi vào ổn định, hiệu quả?

Nguồn Internet~

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HỒ CHÍ MINH NĂM 2012: GIẢM LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG, TĂNG LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ

Năm 2011, thị trường lao động thành phố phát triển cùng với tác động của tình hình lạm phát và biến động tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đã tạo ra nghịch lý vừa thừa vừa thiếu lao động. Do tình hình khó khăn về sản xuất kinh doanh, nguồn vốn… khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động, một bộ phận người lao động (đa số lao động có tay nghề thấp) thất nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng biến động, nhảy việc của người lao động diễn ra phổ biến, bình quân biến động trên 30% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, đa số là lao động phổ thông. Tuy nhiên về tổng thể số lượng chỗ làm việc năm 2011 tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tăng 13,69% so với năm 2010 để đáp ứng nhu cầu tuyển mới và bù đắp thiếu hụt lao động. Theo nhận định của các hiệp hội ngành hàng, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động song ổn định đến Tết Nguyên đán.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Sang năm 2012, thị trường lao động còn biến động nhưng giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông sẽ giảm 10% so với năm 2011”. Theo dự báo, năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới; nhu cầu tuyển dụng của các khu chế xuất – khu công nghiệp là 30.000 chỗ làm. Trung tâm cũng dự báo, quý I-2012, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nguồn lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Nhựa – Bao bì, Xây dựng, Cơ khí, Điện tử… để bù đắp cho những biến động về lao động. Trong quý III, IV của năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ cao ở một số ngành nghề, như Cơ khí, Công nghệ thông tin, Quản lý nhân sự, Hóa – Hóa chất, Marketing – Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Dịch vụ – Phục vụ, Y tế – Chăm sóc sức khỏe, Xây dựng – Kiến trúc…

Ông Tuấn cho rằng, thị trường lao động những năm gần đây tại TP. Hồ Chí Minh luôn diễn biến trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động. Vì vậy, vấn đề quản lý và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả luôn cần sự tham gia đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội. Phải xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp độ đào tạo. Đặc biệt, doanh nghiệp phải trở thành một chủ thể trong hoạt động đào tạo nghề. Ngoài chính sách tiền lương và đãi ngộ lao động, các doanh nghiệp cần tích cực cải tiến hoàn thiện tổ chức sản xuất kinh doanh, tính toán chặt chẽ việc tuyển dụng và thu hút lao động làm việc đạt hiệu quả cao.

Nguồn Internet~

Dân số TP.HCM – dự báo 2025: “Nóng” ở hạt nhân

Trước năm 2002 đã có 26 tòa nhà trên 20 tầng, trong năm năm tới có khoảng 25-30 tòa nhà như thế nữa…

TTCN – Dân số TP.HCM chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu là tăng cơ học. Trong những năm tới, người nhập cư từ các nguồn sẽ tiếp tục vào thành phố. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này:

– Thành phố vẫn là miền đất “hứa” nơi có nhiều cơ hội về việc làm, học hành, thăng tiến cao hơn so với toàn vùng Trung và Nam bộ.

– Đất đai vẫn còn có thể khai thác được, nếu các dự án lớn như khu dân cư Tây Bắc Củ Chi và khu vực Phước Kiểng, Nhà Bè được khởi động. Một số dự án khác phía nam Sài Gòn cũng sẽ hút một lượng dân cư từ bên ngoài vào.

– Các trường đại học và cao đẳng tiếp tục tăng về qui mô đào tạo theo kế hoạch hằng năm (số trường không tăng nhưng số chỉ tiêu tăng nhanh).

– Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không ô nhiễm, chuyên về dịch vụ sẽ tăng khi mà đời sống người dân tăng cao. Ở đô thị có khoảng 120 loại dịch vụ, trong đó có hơn 30 loại dịch vụ thiết yếu, số dịch vụ mới tiếp tục gia tăng nhanh.

– Thành phố trở nên hiện đại và hấp dẫn hơn nên sức hút tỏa ra khá mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài và những người nước ngoài làm việc và học tập ở VN.

Từ nay đến 2025 dân số tăng ra sao?

“TP.HCM tái đô thị hóa vào năm 1990 đến nay đã được 15 năm, nếu theo qui luật thì chậm lắm đến năm 2025 giai đoạn quá độ đô thị sẽ kết thúc.

Trong lịch sử phát triển của thành phố có ba thời điểm tăng giảm dân số rất đột ngột là vào 1954 khi gần 700.000 người di cư từ Bắc vào Sài Gòn (có tài liệu nói hơn 1 triệu), năm 1977-1980 thành phố giảm nửa triệu do vượt biên, chương trình kinh tế mới, người Hoa trở về Trung Quốc và hồi hương sau chiến tranh, và năm 1997-2004 là giai đoạn tăng nhanh nhất sau 30 năm thống nhất đất nước, sau sáu năm tăng thêm hơn 1.250.000 người (tỉ lệ tăng là 3,16%/ năm).

Mỗi thời điểm gắn với một số biến cố chính trị – xã hội đột biến. Với nghiên cứu của mình, tôi tin chắc rằng những tác nhân đột biến để tăng dân số bất thường như vậy sẽ không còn nữa.”

Để lý giải điều này, chúng ta cần xem xét qui luật “Quá độ đô thị” và “Quá độ dân số”. Quá độ đô thị và quá độ dân số không hoàn toàn trung khớp nhau, nhưng chắc chắn có tác động đến nhau và có quan hệ “nhân – quả” với nhau, Tiến trình phát triển thuận lợi hay khó khăn của chúng sẽ tác động đến mức độ tăng giảm và di chuyển.

Quá độ đô thị là giai đoạn tất yếu phải trải qua khi những thành phố nâng cấp từ nhỏ lên lớn từ tiền công nghiệp lên công nghiệp hóa. Giai đoạn này thường kéo dài 20-25 năm, khi ấy tiến trình đô thị hóa theo chiều rộng thiên về lượng kết thúc, chuyển sang phát triển theo chiều sâu thiên về chất. Công nghiệp hóa cũng chuyển từ giai đoạn phát triển thô sang phát triển chất lượng cao.

Xã hội phát triển tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế không còn cao thấp thất thường mà đi vào ổn định. Cấu trúc kinh tế cũng trong tình trạng thăng bằng trong một thời gian dài. Song song với quá độ đô thị, dân số cũng trong tình trạng bình ổn không có gia tăng hay giảm sút đột biến nữa, nếu có tăng thì tăng chậm và cân bằng trên cả ba bình diện sinh, tử và xuất nhập dân số nội vùng và liên vùng.

Những nhân tố sau đây cho phép chúng ta có thông tin dự báo để phác thảo bức tranh dân số trong những năm tới:

– TP.HCM đang cố gắng thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng lao động có hàm lượng chất xám, tăng lao động “cổ cồn trắng”, giảm bớt lao động thủ công. Đây là sự cố gắng hợp qui luật để kết thúc giai đoạn đô thị hóa theo chiều rộng và công nghiệp hóa thô (trên thế giới gọi là công nghiệp hóa kiểu cổ điển).

Các loại doanh nghiệp sử dụng nhân công nhiều, chiếm dụng mặt bằng lớn, thời gian khấu hao thiết bị lâu, đầu tư ban đầu vào nhà xưởng lớn như dệt may, da giày sẽ không còn được ưu tiên nữa. Các loại hình khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung không còn được đề cao mà hướng trọng tâm vào đặc khu kinh tế đa chức năng kiểu như Thâm Quyến, Chu Hải của Trung Quốc; Đài Trung của Đài Loan; Masan, Pusan của Hàn Quốc. Hàn Quốc vốn là cha đẻ của khu chế xuất đã kết thúc loại hình này vào khoảng năm 1980.

– Các tỉnh thành lân cận của TP.HCM cũng tăng tốc phát triển, đặc biệt là Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là nơi chia sẻ mạnh mẽ lực lượng lao động với TP.HCM.

– Các thành phố được nâng cấp từ loại 3 lên 2, loại 2 lên loại 1 sẽ tăng sức cạnh tranh và tạo sức hút cục bộ, giữ một phần lao động nông thôn ở lại, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng ở miền Trung và Cần Thơ ở miền Nam sẽ là những thành phố đối trọng chia sẻ với TP.HCM.

– Nếu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP.HCM và bảy tỉnh thành vận hành hiệu quả, và vùng đô thị miền Nam với hạt nhân là TP.HCM được hình thành và phát triển tốt thì khả năng điều phối lao động, nguồn nhân lực, nguồn vốn sẽ chủ động hơn.

– Giá cả sinh hoạt ở thành phố ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là nhà cửa, đất đai (mặc dù nghị định mới của Chính phủ cho phép phân lô bán nền ở một số huyện), sức hút người dân đổ dồn về mua đất xây nhà không còn như những năm trước nữa.

– Trong khoảng 10 năm tới, các trường đại học cộng đồng của các tỉnh sẽ được hoàn thiện hơn. Các tỉnh xung quanh thành phố đều hình thành hệ thống trường đại học dân lập, như đại học ở Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An.

– Sẽ có một số ngành nghề hút nhân lực nhưng không nhiều như các doanh nghiệp nhỏ với qui mô khoảng 7 đến hơn 10 nhân công, các công việc như phụ việc gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống.

Với những lý do trên cho phép khẳng định dân số tăng nhưng tốc độ không cao, mức tăng chỉ 1,8-2%/năm từ nay đến 2010 và sẽ bình ổn mức 1,2-1,5%/năm từ 2010-2025. Tức là mỗi năm chỉ tăng 100.000-120.000 người, như vậy sau 20 năm nữa (2025) dân số thành phố sẽ vào khoảng 8-9 triệu và chắc chắn không thể nào quá 10 triệu người.

Theo tôi, đây là mức có thể chấp nhận được, nếu TP.HCM quá 10 triệu lên tới 12 triệu người là vượt quá ngưỡng và sẽ gây ra những biến động khôn lường. Khi ấy thành phố sẽ rơi vào khủng hoảng do các dịch vụ như điện, nước, giao thông, liên lạc, y tế, giáo dục, thu gom rác thải, lương thực thực phẩm đều bị quá tải.

Vấn nạn dân số nào là đáng báo động?

Nếu như dân số liên vùng không đe dọa TP.HCM, nguy cơ lại xuất hiện ở phân bổ nội vùng. Điều lo lắng nhất là khu vực trung tâm và đặc biệt là hạt nhân thành phố sẽ tăng dân cư trở lại sau khi giảm đôi chút. Khu vực trung tâm ở đây được hiểu là Q.1 và Q.3. Từ năm 1997-2004, dân số ở các quận trung tâm giảm dần. Q.1 giảm từ 282.000 xuống còn 198.000 (2,43%/năm) từ 1997-2004; Q.3 giảm 1,82%/năm trong giai đoạn từ 1997-2004 là 260.000 giảm còn 201.000. Nhưng từ 2005 trở đi đang có nguy cơ tăng trở lại.

Lý do là UBND thành phố, Sở Qui hoạch – kiến trúc đã tạo điều kiện cho xây dựng quá nhiều cao ốc văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và chung cư cao tầng theo cách thức móc lõm các trục đường của khu vực hạt nhân thành phố. Khu vực hạt nhân ở đây là phần đất nằm ở Q.1 và Q.3 với diện tích là 7,5km2.

Khu vực này là Sài Gòn (cũ) được hình thành từ thời thuộc địa nơi tập trung các cơ quan hành chính, chính trị, kinh tế, ngoại giao quan trọng nhất, mà trong các qui hoạch khởi thủy người Pháp chủ trương không xây dựng nhà cao tầng (thực tế qui hoạch này giữ được đến trước 1990, công trình đầu tiên phá vỡ ý đồ này là Metropolitan xây dựng năm 1997, sau đó là Diamond Plaza xây dựng năm 1998).

Khu vực này được bao bởi các con đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám – Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng ngày nay. Trước năm 2002 đã có 26 tòa nhà trên 20 tầng, trong năm năm tới có khoảng 25-30 tòa nhà như thế nữa đang được xây dựng, một số mới khởi công và một số khác đã được cấp giấy phép. Trong khu vực Q.1, Q.3 sẽ dày đặc các tòa nhà cao tầng, trong số đó có các dự án với qui mô dân cư rất lớn, số căn hộ cho thuê lên đến hàng ngàn.

Hầu như tất cả các dự án xây dựng cao ốc đa chức năng thì phần căn hộ cho thuê bao giờ cũng chiếm 40-50% tổng diện tích mặt bằng xây dựng, chẳng hạn như dự án khu Bến Thành – tứ giác Mã Lạng của Bitexco có tổng diện tích hơn 10ha nằm ngay giữa Q.1 sẽ là một tổ hợp cao ốc, văn phòng cho thuê, siêu thị với tầng cao trung bình 40-55 tầng.

Hệ quả này chắc chắn sẽ làm tăng dân cư nơi trung tâm. Một số người cho rằng chỉ tăng dân số “động” vào ban ngày, còn dân số “tĩnh” vào ban đêm sẽ không có nhiều. Thật sự đây là một sự ngụy biện, bởi vì dân số tăng bất kỳ dưới dạng nào nhưng khi mật độ tập trung cực cao vào một điểm thì cũng sẽ dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, điện, xử lý rác thải, tắc nghẽn giao thông, quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội như chợ, trường học cho trẻ em, dịch vụ hành chính công, an ninh trật tự, dịch vụ vui chơi giải trí…

Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối của các nhà kinh tế, quản lý đô thị, xã hội học nhưng dường như không có tác dụng gì.

Một ví dụ điển hình là thành phố Seoul, từ năm 1985 chính phủ đã ban bô luật đô thị, trong đó có điều khoản hạn chế phát triển ở khu trung tâm của thành phố. Các công sở, trường học, công ty có diện tích mặt sàn từ 100.000m2 trở lên, cũng như các tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên phải di chuyển ra ngoài cách thủ đô 30km. Các dự án mới có khả năng làm tăng dân số không được triển khai ở trung tâm mà phải chuyển ra các vùng khuyến khích phát triển.

Như vậy, vấn đề dân số đối với TP.HCM trong thời gian tới không là quá lo lắng với việc tăng lượng nhập cư mà là ở hai điểm: thứ nhất là kiểm soát và phân bổ nội vùng sao cho hợp lý, thứ hai là nâng cao chất lượng dân số (sức khỏe, học vấn, tay nghề, kỹ năng sống, văn hóa).

Nguồn Internet~

Năm 2012, ngành dịch vụ sẽ thu hút lao động

Cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, marketing, dịch vụ, xây dựng.
Dự báo của ngành Công thương Hà Nội cũng cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng giá trị gia tăng của ngành thương mại những năm tới bình quân khoảng 13%/năm và tăng tỷ trọng thương mại bán lẻ hiện đại đạt 50- 60% trong thời gian tới, ngành này sẽ cần hàng vạn lao động đã qua đào tạo hệ thống bán lẻ hiện đại cho khoảng 138 siêu thị và trung tâm mua sắm được mở ra trên địa bàn đến năm 2015.
Bên cạnh đó, năm 2012, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin tăng khi hiện nhu cầu lao động ngành này đang tăng hơn trước tới 21%. Đặc biệt trong giai đoạn 2012 – 2015, các doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM cần hàng trăm nghìn lao động công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn cao cho các chức danh lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web… làm việc tại các khu công nghệ cao. Các ngành công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghệ ô tô cũng là ngành thu hút lao động trong thời gian tới.

Theo nhận định của ông Hà Xuân Quang, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: Số lượng sinh viên theo học ngành này có xu hướng giảm và còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả ngoại ngữ nên khó đáp ứng đủ nhân lực trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Hoa, Quản lý cao cấp bộ phận nhân sự và khảo sát lương Mercer nhận xét: Trong năm 2012, lao động phổ thông sẽ giảm 10%, trong khi lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp, trung cấp, đến cao đẳng nâng lên 42%. Điều này, càng cho thấy sự đầu tư vào nhân lực trong thời gian tới là hết sức cần thiết ở mỗi doanh nghiệp. Bởi thực chất yếu tố quyết định sự phát triển chình là chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn Internet~

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt khu dân cư mới trước thảm cảnh ngập lụt

Quy hoạch cốt nền, khả thi đến mức nào ?

Khi đặt câu hỏi trên với bà Phạm Thị Thanh Hải – Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng (trực thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc), là đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch cốt nền cho toàn TP Hồ Chí Minh, bà Hải cho rằng: “Khó nhất là khi có quy hoạch cốt nền rồi thì áp dụng ra sao tại những khu vực đã có dự án triển khai xây dựng. Mà dự án thì đang làm ồ ạt, trong khi cốt nền chuẩn thì chưa có”(!?).

Đi học cách làm ở thủ đô!

Bắt đầu nhận nhiệm vụ của thành phố là phải có cốt nền chuẩn, cuối năm 2003, một đoàn cán bộ thuộc Viện Quy hoạch của TP Hồ Chí Minh lên đường ra Hà Nội để tham quan học tập cách quản lý cốt nền tại Hà Nội. Tại đây các cán bộ mới “té ngửa” ra rằng: Hà Nội đã đưa vào áp dụng, quản lý cốt nền xây dựng và nghiên cứu, áp dụng tổng quan về hướng thoát nước cho đô thị từ năm 1980 do Viện Quy hoạch thực hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ). Sau này, quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội do JICA (Nhật Bản) hỗ trợ cũng được nghiên cứu trên cơ sở tham khảo hướng thoát nước và hệ thống cốt nền đã được thiết lập này. Nhưng điều quan trọng nhất bao nhiêu năm TP Hồ Chí Minh “bỏ sót” mà Hà Nội lại rất chú trọng thực hiện – khi còn cơ chế thí điểm Kiến trúc sư trưởng – là các dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội khi san lấp mặt bằng đều được cấp giấy phép san nền (có đóng dấu và ký duyệt hẳn hoi) trên cơ sở quy hoạch chi tiết, nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư được duyệt. Vài năm gần đây, giấy phép này được bãi bỏ nhưng nội dung về san lấp mặt bằng đều bắt buộc đưa vào quyết định phê duyệt dự án hoặc giấy phép xây dựng công trình. Điều cơ bản này đã không được Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh áp dụng.

Ngoài ra, các cán bộ Viện Quy hoạch xây dựng thành phố còn biết thêm về cách quản lý cốt nền xây dựng của Hà Nội hiện nay, là nhất thiết trong quyết định phê duyệt (phần lớn là của UBND TP) có ghi một điều khoản chung về giải pháp thoát nước mưa và cốt khống chế ở những khu vực cần tôn đắp nền, kèm theo bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng có đóng dấu của cơ quan quản lý quy hoạch (Kiến trúc sư trưởng trước đây và Sở Quy hoạch – Kiến trúc hiện nay). Tính pháp lý của các đồ án quy hoạch buộc các nhà đầu tư phải thực hiện một cách nghiêm túc. Như vậy, cách làm từ trước đến nay của TP Hồ Chí Minh đã dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng là không có một cơ sở gì để kiểm tra hạ tầng các dự án, mà nếu có kiểm tra đi nữa thì khó mà xử lý các sai phạm trong quá trình triển khai xây dựng của các chủ đầu tư!

Quy hoạch cốt nền: Muộn còn hơn không?

Theo các chuyên gia quy hoạch, thông thường để xây dựng một khu đô thị, cốt san nền phải có trước, sau đó mới triển khai các hạng mục khác. Nếu theo đúng quy chuẩn thì để xây dựng một dự án, phải có tối thiểu (và cũng là bắt buộc) 8 “hạng mục” được phê duyệt. Đó là quy hoạch cốt nền, quy hoạch sử dụng đất (còn gọi là quy hoạch kiến trúc), quy hoạch giao thông, quy hoạch mạng lưới điện, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch thông tin liên lạc và bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống của toàn dự án. Do không quản lý cốt nền trong nhiều năm nên bây giờ hàng ngàn dự án trên địa bàn thành phố được làm theo kiểu chắp vá (đây cũng là nguyên nhân của nạn “đào lên, lấp xuống” tại TP Hồ Chí Minh).

Trước thực trạng này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP phải gánh trách nhiệm lập và quản lý quy hoạch cốt nền. Nhưng theo một thành viên xây dựng đề án này thì rất khó khả thi bởi vì muốn lập quy hoạch cốt nền thì phải căn cứ vào Quy hoạch tổng thể thoát nước của thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 6/2001, nhưng trước đó từ rất lâu, nhiều khu vực đã được xây dựng, tốc độ đô thị hóa đã khiến cho hầu hết các quận huyện ngoại thành không còn chỗ trống để áp dụng cốt nền mới. Nói đúng hơn, là muốn sử dụng cốt nền mới thì phải “xới tung” toàn bộ các khu vực được xây dựng ít nhất là sau 1980 đến nay, có như thế mới đảm bảo đồng bộ cho toàn thành phố về cốt nền, đảm bảo không ngập úng. Còn nếu muốn “chữa cháy” thì sau khi quy hoạch cốt nền, phải khoanh vùng từng khu vực, xây dựng bờ bao cùng hàng loạt trạm bơm để bơm nước khỏi những khu vực bị ngập!

Xem ra, những giải pháp đưa ra để ngăn ngừa, chống ngập trong vài ba năm tới đang rơi vào bế tắc mà trước hết là do sự yếu kém trong công tác quản lý, xây dựng đô thị trong nhiều năm qua. Bây giờ mới đưa ra vấn đề lập và quản lý cốt san nền là một việc làm theo kiểu “muộn còn hơn không”!

Nguồn Internet~

Dân số TP Hồ Chí Minh tăng hơn 2 triệu người

Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, tổng số dân của TPHCM là 7.123.340 người (nữ 3.697.415 và nam 3.425.925).

So với tổng điều tra dân số ngày 1/4/1999, sau 10 năm dân số của thành phố tăng thêm 2,086 triệu người, tăng 41,4% và chiếm 22% số dân tăng thêm của cả nước. Tổng số hộ dân toàn thành phố đạt mức 1.812.086 hộ. Mật độ dân số thành phố cũng đã đạt 3.400 người/km2, tăng 41,4% so với mật độ dân số thành phố 10 năm trước (2.404,4 người/km2).

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở trên địa bàn TPHCM, chính thức công bố chiều 23/10, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của thành phố này trong giai đoạn 1999 – 2009 tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, nếu như trong hai thời kỳ 1979 – 1989 và 1989 – 1999 dân số thành phố tăng chủ yếu do yếu tố tăng tự nhiên thì trong 10 năm trở lại đây chủ yếu là tăng cơ học. Điểm đáng chú ý nữa là biến động dân số của thành phố có xu hướng giảm ở các quận trung tâm, quận nội thành; tăng nhiều ở các quận ven, quận mới và tăng chậm ở các huyện. Dân số các quận trung tâm giảm do việc di dời một số hộ dân để thực hiện các dự án nâng cấp đô thị, đồng thời do giá nhà và nhu cầu thuê nhà làm văn phòng, cửa hàng ở các khu vực này tăng cao nên nhiều hộ dân đã cho thuê nhà, dời ra các quận mới, quận ven sinh sống.

Quy mô dân số bình quân quận, huyện của thành phố hiện là 296.806 người, bằng 1,3 lần quy mô dân số bình quân quận, huyện của năm 1999, trong đó quận Bình Tân là quận có dân số cao nhất với 572.796 người, quận Gò Vấp thứ nhì với 515.954 người. Huyện Cần Giờ có dân số thấp nhất trong số 24 quận, huyện với 68.213 người, kế đó là huyện Nhà Bè với 99.172 người.

Ngoài ra, với dân số thành thị chiếm 83,24% tổng dân số toàn thành phố, TPHCM vẫn là thành phố có mức độ đô thị hoá cao nhất cả nước. Mức độ dân số thành thị của TPHCM hiện cao hơn gấp đôi so với TP Hà Nội (40,8%).

Theo giadinh.net

Dân số TP.HCM

Vào tháng 05/1975 dân số thành phố Sài Gòn – Gia Định (đến tháng 07/1976 đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh) là 3.498.120 người (thống kê của chính quyền thành phố).
Dân số Thành phố Hồ Chí Minh theo các kết quả điều tra dân số chính thức như sau:

  • Ngày 1/10/1979 (Điều tra toàn quốc): 3.419.977 người.
  • Ngày 1/4/1989 (Điều tra toàn quốc): 3.988.124 người.
  • Ngày 1/4/1999 (Điều tra toàn quốc): 5.037.155 người.
  • Ngày 1/10/2004 (Điều tra của thành phố): 6.117.251 người.
  • Ngày 1/4/2009 (Điều tra toàn quốc): 7.162.864 người.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê ngày 1/4/2010, dân số thành phố là 7.382.287 người.
Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, dân số thành phố vào giữa năm 2010 là 7.396.446 người, mật độ 3.531 người/km2
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009 Thành phố Hồ Chí Minh có dân số 7.162.864 người, gồm 1.824.822 hộ dân trong đó: 1.509.930 hộ tại thành thị và 314.892 hộ tại nông thôn, bình quân 3,93 người/hộ. Phân theo giới tính: Nam có 3.435.734 người chiếm 47,97%, nữ có 3.727.130 người chiếm 52,03%. Những năm gần đây dân số thành phố tăng nhanh; trong 10 năm từ 1999-2009 dân số thành phố tăng thêm 2.125.709 người, bính quân tăng hơn 212.000 người/năm, tốc độ tăng 3,54%/năm, chiếm 22,32% số dân tăng thêm của cả nước trong vòng 10 năm. Với 572.132 người, tương đương với dân số một số tỉnh như: Quảng Trị, Ninh Thuận, quận Bình Tân có dân số lớn nhất trong số các quận cả nước. Tương tự, huyện Bình Chánh với 420.109 dân là huyện có dân số lớn nhất trong số các huyện cả nước. Trong khi đó huyện Cần Giờ với 68.846 người, có dân số thấp nhất trong số các quận, huyện của thành phố. Không chỉ là thành phố đông dân nhất Việt Nam, quy mô dân số của Thành phố Hồ Chí Minh còn hơn phần lớn các thủ đô ở châu Âu ngoại trừ Moscow và London. Theo số liệu thống kê năm 2009, 83,32% dân cư sống trong khu vực thành thị. Thành phố Hồ Chí Minh có gần một phần ba là dân nhập cư từ các tỉnh khác.
Sự phân bố dân cư ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng đều. Trong khi một số quận như: 3, 4, 10 và 11 có mật độ lên tới trên 40.000 người/km², thì huyện ngoại thành Cần Giờ có mật độ tương đối thấp 98 người/km². Về mức độ gia tăng dân số, trong khi tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 1,07% thì tỷ lệ tăng cơ học lên tới 2,5%. Những năm gần đây dân số các quận trung tâm có xu hướng giảm; trong khi dân số các quận mới lập vùng ven tăng nhanh, do đón nhận dân từ trung tâm chuyển ra và người nhập cư từ các tỉnh đến sinh sống. Theo ước tính năm 2005, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 triệu khách vãng lai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2010, con số này còn có thể tăng lên tới 2 triệu.

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân đầu người rất cao so với mức bình quân của cả Việt Nam, nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày các lớn do những tác động của nền kinh tế thị trường. Những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại cao hơn nhiều so với ngành sản xuất. Sự khác biệt xã hội vẫn còn thể hiện rõ giữa các quận nội ô so với các huyện ở ngoại thành.

Nguồn: wikipedia